Trong những năm gần đây, Sở Thuế cũng bắt đầu chiếu cố đến nghành Nail của người Việt nhiều hơn. Liệu ngành Nail sẽ bị cùng số phận như ngành may của người Việt trước đây không? Từ năm 1985-1993 nghành may mặc phát triển rầm rộ trong cộng đồng người Việt tại California. Ở nhiều nơi người ta thường thấy những cửa tiệm may nằm sát bên nhau. Có những khu phố mà cả con đường dài 4 đến 5 dặm chỉ toàn là cửa tiệm may. Vào lúc đó, giống như các chủ tiệm Nail bây giờ, các chủ hãng may cũng mướn nhân công Mễ và Việt theo dạng IC (Independent Contractor) và trả lương bằng tiền mặt. Sự làm ăn và phát triển mạnh mẽ của nghành may đã tạo ra không ít những người Việt trở thành triệu phú trong khoảng vài ba năm.
Ai cũng nghĩ, cứ vào nghành may thì sẽ giàu to. Thế là họ đua nhau đầu tư vào nghành may và “bắt chước y nguyên” cách làm của người đi trước. Khoảng 8 năm sau, khi những người chủ hãng may bắt đầu khá giả, có cơ ngơi nhà cửa đầy đủ thì cũng chính là lúc Sở Thuế ra tay. Chỉ trong vòng chưa đến 2 năm thì 99% các tiệm may đều bị đóng cửa. Các chủ hãng may, không những tài sản doanh nghiệp và cá nhân đều bị tịch biên, vì không trả đủ tiền thuế và tiền lời rất nặng (31% mỗi năm), mà không ít người đã phải chịu thêm cảnh tù đầy, tán gia bại sản. Bao nhiêu công sức đều tiêu tan theo mây khói, và từ đó nghành may của người Việt tại California coi như tàn lụi.
Nghành Nail của cộng đồng người Việt bây giờ cũng giống như nghành may lúc trước. Đừng tưởng Sở Thuế Mỹ không biết về việc trốn thuế của các chủ tiệm. Bất quá là họ chỉ đợi thời cơ, vì chờ càng lâu, vi phạm càng nhiều, thì tiền phạt sẽ càng cao. Chủ trương của Sở Thuế là “nuôi cho béo” để rồi ‘làm thịt’, chiêu này xem ra lại làm cho nghành nail của cộng đồng người việt khó tránh khỏi thảm hoạ diệt thân. Những người trong nghành Nail chắc chắn cũng nghe không ít thì nhiều, về tin những chủ tiệm nail bị phạt trung bình lên đến $300,000-$400,000. Có một số không ít tiệm nail tại nhiều nơi cũng vì bị phạt quá nặng mà đã phải đóng cửa.
Bất cứ một người chủ nào cũng phải khai báo thuế cho nhân viên của mình bao gồm mẫu đơn thuế, trừ thuế, giữ thuế và đóng tiền thuế cho Sở Thuế. Nếu không thì Sở Thuế có thể phạt nặng hay tịch biên tài sản cả thương nghiệp lẫn cá nhân nếu người chủ vi phạm nghiêm trọng.
Cách “lách luật” thông dụng mà các chủ Nail hay dùng là phương pháp IC (independent contractor) hay giới Nail gọi là “làm ăn chia.” Nói đơn giản thì phương pháp này là cho mướn chỗ (station). Một thợ Nail, thay vì phải mướn nguyên một căn tiệm, hay một chỗ lớn và trả chi phí cao, thì họ chịu mướn một phần nhỏ của tiệm Nail, thế thôi. Theo luật, người mướn chỗ sẽ không theo bất cứ một qui định nào liên quan đến công việc, chính sách hay cách thức phục vụ của tiệm Nail, nghĩa là họ có thể làm theo giờ giấc của họ và phục vụ khách theo ý của họ chứ không phải của chủ tiệm. Vì là những người mướn chỗ độc lập (Independent Contractor) nên có trách nhiệm đóng thuế, điều hành, quản lý, tiếp thị, và phục vụ theo cách của họ. Tiếc thay, các chủ tiệm Nail vì thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về luật thuế cộng thêm các nhà “khai thuế” cố vấn “tay mơ”, nghĩ rằng họ có thể qua mặt luật pháp bằng cách “mướn thợ” theo dạng IC thì sẽ không gặp rắc rối về luật thuế. Nhưng họ lại không biết rằng, một khi đã thuê thợ và phân công việc, hoặc trả lương cho thợ thì những người thợ đó không phải là IC nữa mà là nhân viên. Khi đã là nhân viên, thì chủ có trách nhiệm khai thuế, giữ thuế và đóng thuế theo đúng qui định, nếu không sẽ vi phạm luật thuế. Trong thời gian vừa qua, Sở Thuế vẫn tỏ ra “lơ là” với việc khai thuế của các chủ Nail và thợ Nail, khiến cho không ít các chủ và thợ Nail đều nghĩ rằng mình đã “qua mặt” Sở Thuế dễ dàng. Sự thật thì không phải vậy. Họ không biết rằng họ đang được “nuôi cho béo” để làm thịt ngon hơn, đó là chính sách mà Sở Thuế Mỹ vẫn ưa dùng.